Tận dụng thời gian làm việc nhóm hay xây dựng mối quan hệ với giáo viên sẽ giúp người học loại bỏ cảm giác cô độc khi học trực tuyến.
Tại lớp học truyền thống, học sinh và giáo viên được kết nối trực tiếp với nhau, tạo ra sợi dây liên kết mang tên “cộng đồng”. Người học có thể được gắn kết với nhau hoặc gắn kết với giáo viên.
Tuy nhiên, các khoá học trực tuyến, nơi mỗi người chỉ ngồi trước màn hình máy tính, có thể khiến người học nảy sinh cảm giác cô độc, thiếu gắn kết với xã hội. Dưới đây là bảy cách giúp loại bỏ cảm giác cô độc khi học trực tuyến.
1. Chia sẻ một vài thông tin cá nhân
Trên trang cá nhân tại các website học trực tuyến, người học có thể chia sẻ một vài thông tin liên quan đến bản thân, gia đình hoặc cuộc sống thường nhật. Nếu có thể đăng một bức ảnh, đừng ngại ngùng.
Trường hợp những người bạn cùng tham gia khóa học muốn tìm hiểu và kết bạn với bạn, thông tin cá nhân có thể rất hữu ích. Nó cũng giúp bạn cảm thấy tin cậy và cởi mở hơn khi tham gia các khoá học.
2. Phá vỡ rào cản
Đừng quên rằng cảm thấy bị cô lập hay chỉ có một mình là cảm giác chung của những người học online. Giống như trong lớp học truyền thống, các khóa học trực tuyến cũng có sự tham gia của một số người tính cách hướng ngoại hay những người trầm tính và ít nói. Nếu muốn đập tan cảm giác bị cô lập, hãy là người khuấy động không khí lớp học bằng những hoạt động giao lưu trực tuyến hoặc trò chơi trong quá trình học.
3. Kết bạn
Khi bắt đầu khóa học, hãy tìm kiếm những người bạn cùng đăng ký khóa học giống bạn và trò chuyện với họ. Việc có người bạn trong lớp sẽ khiến phai nhạt đi cảm giác cô độc. Đặc biệt hơn, các bạn có thể trao đổi về những vướng mắc trong quá trình học, cùng nhau ôn luyện kiến thức và khuyến khích nhau cố gắng học tập. Những người bạn, dù ảo hay thật trong các lớp học luôn mang lại giá trị.
4. Duy trì hoạt động học
“Dù sao đây cũng chỉ là một khóa học trực tuyến” là suy nghĩ của không ít người học online khiến họ trở nên lười biếng, thiếu kiên nhẫn và xao nhãng các bài học. Từ đó, cảm giác cô độc, chán nản sẽ càng rõ rệt hơn và có thể khiến người học ngừng học.
Vì vậy khi đã tham gia các khóa học trực tuyến, người học cần xây dựng tính kỷ luật, tự giác và giữ trong lòng động lực học. Bạn hãy cố gắng theo kịp các bài đăng thảo luận, hoàn thành bài tập về nhà đúng hạn hoặc liên tục ôn tập, củng cố kiến thức. Hãy coi như mình đang ôn tập ở nhà cho bài giảng tại lớp học truyền thống. Hoạt động này giúp bạn tăng tính kết nối với khóa học và tạo cảm giác như học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường.
Sinh viên Đại học Mở Hà Nội học trực tuyến. Ảnh: Ngọc Anh. |
5. Chia sẻ với mọi người về khóa học
Hãy để bạn bè và gia đình biết bạn đang theo đuổi khóa học trực tuyến. Đừng quên chia sẻ, kể chuyện liên quan đến khóa học giống như việc bạn tường thuật lại những hoạt động nổi bật trên lớp học, trường học.
Chia sẻ không chỉ khiến bạn vơi bớt cảm giác cô lập mà còn giúp tiếp thu thông tin, tìm hiểu xem xét cảm nhận, đánh giá của mọi người xung quanh. Sau khi chia sẻ, bạn sẽ nhận được sự quan tâm, hỏi han của mọi người xung quanh liên quan đến khóa học. Thậm chí, bạn có thể tình cờ phát hiện những người quen từng tham gia khóa học và cho bạn nhận xét, lời khuyên bổ ích.
6. Tận dụng thời gian làm việc nhóm
Nếu bạn được sắp xếp vào nhóm học tập, hãy tận dụng tối đa cơ hội này để làm hoàn thành nhiệm vụ và kết bạn. Ngay cả khi nhóm của bạn chỉ có thể liên lạc qua Internet hoặc gặp nhau một tiếng một tuần thì những tương tác xã hội này cũng đem lại hiệu quả trong việc kết nối.
Trong quá trình làm việc nhóm, hãy nỗ lực thể hiện giá trị và sự hiểu biết của bản thân. Bạn sẽ nhận được sự công nhận, trân trọng từ phía bạn bè và khẳng định kỹ năng cùng nền tảng kiến thức trước mặt giáo viên. Điều đó có thể giúp bạn được quan tâm và chú ý nhiều hơn trong khóa học.
7. Xây dựng mối quan hệ với giáo viên
Nếu gặp khúc mắc trong quá trình học, hãy gửi email hoặc liên lạc với giáo viên để đặt câu hỏi. Hầu hết giáo viên sẽ trả lời bởi họ thích được chia sẻ về chuyên môn của mình. Ngoài ra, giáo viên có thể gợi ý, cung cấp nhiều lời khuyên, bài tập hữu ích phục vụ quá trình học của bạn.
Tú Anh (Theo eLearners)